Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc. Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau đã chủ động, chủ trì phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội triển khai có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cuộc giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tại huyện Cái Nước năm 2018

Qua 05 năm thực hiện Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương về giám sát, phản biện xã hội, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh từng bước được nâng cao, chủ động hơn; kế hoạch, nội dung, hình thức giám sát bám sát nhiệm vụ chính trị địa phương; nhất là những yêu cầu bức xúc của nhân dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội, tham mưu cấp ủy Đảng chỉ đạo, giúp cho chính quyền quản lý và điều hành thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.

Kết quả, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và cấp huyện chủ trì giám sát 104 cuộc, tham gia giám sát, khảo sát 573 cuộc về thực hiện các lĩnh vực như: giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân; phổ biến, giáo dục pháp luật; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa cơ sở, bảo vệ môi trường; hòa giải ở cơ sở; chính sách, pháp luật về tôn giáo; Luật Hợp tác xã; công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; giảm nghèo bền vững; an toàn vệ sinh thực phẩm và những vấn đề đột xuất bức xúc dư luận xã hội quan tâm,… Riêng, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã đã giám sát được 3519 cuộc, trong đó có 3.058 công trình. Qua giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phát hiện những mặt hạn chế, kịp thời kiến nghị, đề xuất đến cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành liên quan có giải pháp khắc phục. Cơ bản các đơn vị được giám sát có văn bản khắc phục theo kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh. Về phản biện xã hội, Mặt trận cấp tỉnh trực tiếp tham gia đóng góp 468 văn bản dự thảo của Trung ương và địa phương, Luật, Nghị định, Thông tư, Nghị quyết, Quyết định, dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp, các báo cáo chuyên đề, các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Chỉ thị, Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cấp huyện phản biện bằng hình thức tổ chức đối thoại 79 cuộc; tham gia đóng góp 285 văn bản dự thảo của Trung ương, tỉnh, huyện; cấp xã tổ chức đối thoại 210 cuộc, đóng góp 822 văn bản dự thảo của Trung ương, tỉnh, huyện, xã.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đoàn Tấn Sỹ cho biết: quán triệt Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản quy định, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện trong toàn tỉnh, với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Định kỳ trong quý IV hàng năm, Mặt trận chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội thảo luận, thống nhất và triển khai kế hoạch giám sát cho năm sau. Từ đó, công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh luôn bám sát theo quy định về chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức, đảm bảo quy trình, từ việc xây dựng kế hoạch giám sát, tiến hành giám sát, báo cáo kết quả giám sát, kiến nghị sau giám sát. Công tác phản biện xã hội là việc làm mới và khó đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội. Hiện nay, công tác này chỉ mới dừng lại ở việc đóng góp văn bản vì chưa có cơ quan, đơn vị nào đăng ký nhu cầu phản biện với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo quy định. Sắp tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát và phản biện xã hội.

Mai Thành