Sáng11/10/2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri là công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Cà Mau trước kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri.

Tham dự hội nghị có các đại biểu: Ông Nguyễn Quốc Hận, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Ông Nguyễn Duy Thanh, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có: Ông Dương Huỳnh Khải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Ông Huỳnh Ngọc Sang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Bà Lưu Thị Trúc Ly, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; Ông Võ Quốc Tín, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh và đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành trong tỉnh, Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau. Đặc biệt, là sự có mặt của 100 cử tri là công nhân lao động và đại diện cán bộ công đoàn cơ sở doanh nghiệp có công nhân, lao động tham dự Hội nghị.

 

Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri là công nhân lao động trên địa bàn tỉnh

Tại hội nghị, cử tri đã nghe Đại biểu Quốc hội báo cáo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và những nội dung Quốc hội thảo luận quyết định thông qua tại Kỳ họp.

Đối với Luật Công đoàn (sửa đổi) cử tri có ý kiến hoạt động công đoàn rất cần đội ngũ cán bộ công đoàn có kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay, cán bộ công đoàn lại được tuyển dụng như công chức nhà nước, dẫn đến khó khăn trong việc thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở và phong trào công nhân. Đề nghị Quốc hội xem xét, tháo gỡ về chính sách tuyển dụng cán bộ công đoàn, để có thể thu hút đội ngũ cán bộ công đoàn có nhiều kinh nghiệm, trưởng thành từ cơ sở.

Hiện nay, số lượng cán bộ công đoàn ở cấp tỉnh/cấp huyện được bố trí chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và số lượng đoàn viên tăng liên tục gây khó khăn cho hoạt động công đoàn, có nơi công đoàn chưa kịp thời chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động. Nhiều nơi có đông đoàn viên, người lao động nhưng số lượng cán bộ công đoàn được bố trí có tính chất “cào bằng” như địa bàn có ít đoàn viên, người lao động. Đề nghị Quốc hội xem xét quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Lực lượng lao động khu vực phi chính thức rất đông và là nhóm yếu thế cần được bảo vệ. Quốc hội có thể xem xét, cho phép người lao động trong khu vực phi chính thức có quyền thành lập và gia nhập công đoàn, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của họ.

Kinh phí công đoàn là nguồn thu quan trọng để công đoàn thực hiện nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ đoàn viên và người lao động. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế. Đề nghị Quốc hội tiếp tục quy định nguồn thu 2% kinh phí công đoàn trong Luật Công đoàn (sửa đổi); đồng thời quy định chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình không đóng kinh phí công đoàn.

Theo cử tri, đoàn viên, người lao động mong muốn tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% (bằng mức hưởng lương hưu tối đa) nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp. Đề nghị nghiên cứu, xây dựng quy định về bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện, đảm bảo đồng bộ với các chế độ tự nguyện khác của bảo hiểm xã hội…

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh Cà Mau đã trả lời, làm rõ ý kiến, kiến nghị của cử tri là công nhân lao động đối với những nội dung thuộc thẩm quyền. Những vấn đề cử tri kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tỉnh Cà Mau tiếp thu, ghi nhận và có ý kiến tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Nhân dịp này, Liên đoàn lao động tỉnh đã trao tặng 100 suất quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại các đơn vị, doanh nghiệp, mỗi suất trị giá 01 triệu đồng tiền mặt.

Kỳ Duyên