Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW ngày 01/8/2003 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã trở thành kỳ sinh hoạt thường niên với nhiều hoạt động phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong tỉnh, phong trào bảo vệ môi trường, trò chơi dân gian, thể dục thể thao, giao lưu văn nghệ, đờn ca tài tử,… đã tạo nên sự gắn kết tình làng nghĩa xóm ở khắp các khu dân cư trong tỉnh Cà Mau, ngày càng nâng cao và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kế toàn dân tộc trong tỉnh, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh tại địa phương.

 

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương - Lê Hoài Trung và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Hoàng Công Thủy dự và trao quà ở Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023 tại ấp Kinh Tắc, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn

Quán triệt nghiêm túc Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW ngày 01/8/2003 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hàng năm, nhân kỷ niệm ngày thành lập của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11), trên địa bàn tỉnh, có 100% ấp, khóm đều tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, trong đó có trên 90% tổ chức phần Hội. Riêng, từ năm 2016 đến nay, hàng năm đều có 100% ấp, khóm tổ chức cả phần Lễ, phần Hội và bữa cơm “Đại đoàn kết”. Số lượng người dân đại diện hộ gia đình tham gia các hoạt động ngày càng tăng, đạt tỷ lệ trên 75% tổng số hộ gia đình trên địa bàn.

Cơ sở để củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước; tăng cường đồng thuận xã hội góp phần xây dựng và phát triển đất nước

Gắn với tuyên truyền Ngày hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết theo tinh thần chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam các cấp.

Trước khi diễn ra các hoạt động Ngày hội, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp thường xuyên tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của Ngày hội, trong đó, chú trọng vào việc ôn lại truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ, nhất là truyền thống đoàn kết quý báu, tốt đẹp của Nhân dân Việt Nam qua từng giai đoạn cách mạng; đồng thời, tập trung tuyên truyền về kết quả của việc tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc đấu tranh, giành độc lập cho Tổ quốc, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào; tuyên truyền lịch sử, truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,…

Trong phần Lễ, khu dân cư ôn lại lịch sử và truyền thống đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trong MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và MTTQ Việt Nam trong việc đóng góp vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc.

Đối với các hoạt động diễn ra phần Hội, nhiều hoạt động được tổ chức như phát quang bụi rậm các tuyến lộ, tu sửa trụ sở sinh hoạt; tổ chức các trò chơi dân gian; giao lưu văn nghệ, đờn ca tài tử; thể dục, thể thao; vận động đoàn kết cộng đồng hỗ trợ xây dựng và bàn giao hơn 2.300 căn nhà “Đại đoàn kết”, hơn 230 cầu giao thông nông thôn, vận động trao tặng hơn 2.000 suất quà giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn… với tổng trị giá hơn 16 tỷ đồng.

Các hoạt động của Ngày hội ngày càng tập hợp, thu hút được đông đảo người dân đoàn kết tham gia, góp phần thắt chặt mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm, tăng cường sự đồng thuận xã hội; khối đại đoàn kết các dân tộc ở địa phương ngày càng tăng cường và phát huy, nhất là trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục và tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong mỗi cộng đồng

Tuyên truyền về truyền thống đoàn kết, về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các thời kỳ; chủ trương, nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; phát động và tuyên truyền, vận động thực hiện những phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, đề cao truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tuyên truyền bài trừ những hủ tục lạc hậu, lên án tệ nạn xã hội; tuyên truyền tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn; gương người tốt, việc tốt; tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc,… góp phần nâng cao nhận thức, đời sống văn hóa của các dân tộc, tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Nhiều phong trào, hoạt động được nhân rộng trên địa bàn như Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng gia đình hiếu học, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền,… Nhiều tệ nạn xã hội ngày càng giảm hoặc xóa hẳn ở hầu hết cộng đồng dân cư như đá gà, đánh bạc, trộm cắp, ma túy, mại dâm,…

Ngày hội ngày càng trở nên ý nghĩa hơn khi cùng nhau tổ chức bữa cơm "Đại đoàn kết" gắn với các hoạt động thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với nước, Mẹ Việt Nam Anh hùng; trao nhà "Đại đoàn kết" động viên cho các hộ nghèo, hộ khó khăn; bảo tồn giá trị văn hóa dân gian của mỗi cộng đồng, từng dân tộc...

Phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.

Toàn tỉnh có 5.347 tổ nhân dân tự quản, 8.363 tổ trưởng, tổ phó. Các tổ nhân dân tự quản đã tích cực phát huy vai trò trong việc tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh trật tự, tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tích cực phối hợp, tham gia với Mặt trận, đoàn thể ở khu dân cư tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,… nhất là vận động thực hiện tốt Quy ước cộng đồng dân cư, vận động Nhân dân tham gia các hoạt động Ngày hội,…

Các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, các hoạt động “Vì người nghèo”, an sinh xã hội; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng xã hội học tập,…. được phát động rộng khắp, gắn với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và cụ thể vào Quy ước hoạt động ở khu dân cư.

Vận động xây dựng và nhân rộng được hơn 5.800 mô hình, được phân loại có 1.183 mô hình về môi trường; 318 mô hình về an toàn thực phẩm; 603 mô hình về an toàn giao thông; 1.450 mô hình về xây dựng nông thôn mới; 230 mô hình về xây dựng đô thị văn minh; 468 mô hình về an ninh trật tự; 317 mô hình về phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; 311 mô hình về phát triển kinh tế; 238 mô hình về giảm nghèo; 49 mô hình về vận động xây dựng Tổ hợp tác; 338 mô hình về Tự hào dùng hàng Việt và 301 mô hình khác. Hầu hết các mô hình do Mặt trận vận động thực hiện đem lại hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, giảm các hành vi vi phạm pháp luật, tạo được cảnh quan môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng nâng lên rõ rệt, nếp sống người dân ngày càng văn minh, tiến bộ.

Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân tham gia xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể Nhân dân ngày càng vững mạnh.

Nhằm  phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”, tại Ngày hội, Ban công tác Mặt trận đã xin ý kiến và tiếp nhận bình quân ở mỗi khu dân cư được từ 4 đến 5 ý kiến đóng góp của người dân. Nội dung góp ý tập trung các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; việc lãnh đạo, điều hành, quản lý của cấp ủy đảng, chính quyền; việc công khai quy hoạch; việc xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở; công tác phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; tình làng, nghĩa xóm; việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; tình trạng ô nhiễm môi trường,… Ban công tác Mặt trận tập hợp đầy đủ, phản ánh đến cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận cấp trên theo quy định.

Qua 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, đã biểu dương, khen thưởng hơn 6.000 lượt tập thể, hơn 70.000 lượt cá nhân gương người tốt, việc tốt hoặc có thành tích tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương, với tổng giá trị quà và tiền trên 14 tỷ đồng.

Nhìn chung, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư ngày càng được tổ chức chu đáo hơn, có nhiều chuyển biến tích cực như: nội dung và hình thức phong phú hơn, được tổ chức chu đáo, tiết kiệm, nhưng vẫn trang trọng và đầm ấm, tạo được sinh khí phấn khởi đầm ấm tình làng, nghĩa xóm. Một điểm nhấn quan trọng trong Ngày hội chính là những bữa cơm đại đoàn kết được tổ chức từ nguồn đóng góp của bà con ở khu dân cư, đơn giản và ít tốn kém. Đây cũng là dịp để người dân gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.

Hướng đến Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư năm 2024 theo tinh thần Nghị quyết số 26/NQ-MTTW-ĐCT ngày 11/11/2023 của Đoàn Chủ tịch về nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11), chào mừng thành công của Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, dự kiến các khu dân cư trong tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức Ngày hội cao điểm trong khoảng thời gian từ ngày 01/11 đến ngày 18/11/2024, với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú được đổi mới, tiếp tục sẽ là điểm đến của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn, góp phần thắt chặt mối quan hệ cộng đồng dân cư, ích cực phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, chung tay đóng góp công sức xây dựng tỉnh Cà Mau ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Ngọc Phúc