Trong những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Phú Tân đã thật sự phát huy vai trò và có những đóng góp quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện nếp sống văn hóa mới về tổ chức lễ tang, cưới hỏi; phát triển kinh tế, tích cực vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Kịp thời phát hiện, báo cáo với cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc đấu tranh, ngăn chặn, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giải quyết nhiều vụ, việc phức tạp ở địa phương.

Salatel được trùng tu, xây dựng kịp thời đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương

Hiện nay trên địa bàn huyện có 7 dân tộc thiểu số đang sinh sống, với 743 hộ; trong đó, đông nhất là dân tộc Khmer 618 hộ, dân tộc Hoa 105 hộ, dân tộc Thái 12 hộ, dân tộc Tày 3 hộ, dân tộc Nùng 2 hộ, dân tộc Mường 2 hộ và dân tộc Dao 1 hộ. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú trong văn hóa Phú Tân nói riêng, là bức tranh đa sắc sống động của nền văn hóa Việt Nam nói chung.

Thực hiện Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Trên địa bàn huyện Phú Tân được Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau phê duyệt với số tiền là 3.985.000.000 đồng. Qua đó đã hỗ trợ cho 375 hộ, trong đó, hỗ trợ giải quyết đất ở 135 hộ; hỗ trợ giải quyết đất sản xuất 16 hộ; hỗ trợ giải quyết học nghề 84 lao động (tương đương 42 hộ); hỗ trợ giải quyết chuyển đổi ngành nghề 182 hộ. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, từng bước đáp ứng yêu cầu và vui chơi, giải trí của đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc như: Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Đôn ta của dân tộc Khmer, Tết Nguyên tiêu của dân tộc Hoa..., đều được cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm tổ chức; các thiết chế văn hóa, các cơ sở thờ tự, Salatel được trùng tu, sửa chữa và đầu tư xây dựng kịp thời từ đó đáp ứng cơ bản nhu cầu tín ngưỡng, đời sống tâm linh, hình thành những điểm sinh hoạt văn hóa, đồng thời phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa của từng dân tộc, hầu hết các hoạt động lễ, hội đều gắn với các nơi thờ tự. Đây là nét văn hóa đặc trưng của đời sống tâm linh trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn huyện.

 Văn Vinh