Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và các văn bản của cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện, lồng ghép nội dung triển khai thực hiện vào Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, Chương trình phối hợp thống nhất hành động và vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”); đồng thời, ký kết Chương trình phối hợp với Ủy ban nhân dân và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp triển khai thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh.

(Ảnh minh họa)

Kết quả thực hiện: đã triển khai, lồng ghép tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung thực hiện, thông qua đó, vận động nhân dân tham gia tích cực phong trào xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân hiến đất làm lộ, cầu giao thông nông thôn, trường học, trụ sở văn hóa, trung tâm văn hóa – thể thao, trạm y tế,... phục vụ cho các hoạt động cộng đồng.

Các phong trào khác như vận động thực hiện đền ơn đáp nghĩa; khuyến học, khuyến tài; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội; phong trào xây dựng cổng an ninh trật tự,… được lồng ghép vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hơn chất lượng cuộc sống cho nhân dân ở địa bàn dân cư. Riêng, công tác vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa hàng năm đều vượt chỉ tiêu đề ra; các hoạt động phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, người có công với nước luôn được chú trọng, thực hiện tốt. Việc đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được Nhân dân ở địa phương tích cực thực hiện. Tính đến nay, toàn tỉnh có 222.300/285.646 hộ gia đình (tỷ lệ 77,82%), 546/949 ấp, khóm (tỷ lệ 57,53%) đạt chuẩn văn hóa; có 29/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, được phân theo nhóm gồm: 9 xã đạt 19 tiêu chí, 19 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí, 33 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí, 21 xã đạt từ 7 – 9 tiêu chí; có 3 phường thuộc thành phố Cà Mau đạt chuẩn văn minh đô thị.

Từ 2008 đến cuối 2017, Quỹ “Vì người nghèo” toàn tỉnh đã vận động được trên 733,6 tỷ đồng, trong đó, tiền mặt trên 350 tỷ đồng, còn lại vật chất quy ra tiền; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 17.500 căn nhà “Đại đoàn kết”, nhà theo Quyết định 167/TTg và Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh vận động hỗ trợ 2.572 giếng nước, 01 hệ thống nước cho gần 100 hộ dân, gần 200 bồn chứa nước; hỗ trợ cho trên 30.000 lượt học sinh nghèo đi đò đến trường trong những năm từ 2009 đến 2013; thực hiện xây dựng 1.588 “Nhịp cầu mơ ước”; xây dựng trên 500 cây cầu giao thông nông thôn; vận động xây dựng 03 phòng học, 02 trường mẫu giáo, hỗ trợ gần 3.000 suất học bổng, 800 chiếc xe đạp, 1.335 cái cặp học sinh, trên 4.880 cây viết, 669.790 quyển tập học sinh, 1.970 bộ sách giáo khoa; gần 10.000 tấn gạo; khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 100.000 lượt bệnh nhân nghèo; gần 400 chiếc xe lăn, hơn 250.000 phần quà; hỗ trợ xây dựng nhà cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo, nạn nhân chất độc da cam, nhà đồng đội; hỗ trợ đột xuất cho gia đình bị hỏa hoạn, thiên tai, gặp tai nạn giao thông,…. Tổng trị giá hơn 500 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm, Tỉnh xuất ngân sách hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vui Xuân đón Tết, hỗ trợ quà Tết ChochnamThmay cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo.

Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tích cực phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, tránh thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai, vận động xã hội hóa, hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Kết quả, trong thời gian qua, đã vận động, tiếp nhận được trên 12,8 tỷ đồng; hỗ trợ đồng bào một số tỉnh miền Trung, miền Bắc và đồng bào trong tỉnh khắc phục hậu quả do thiên tai, hỏa hoạn, hạn hán, xâm nhập mặn gây ra với số tiền hơn 11,4 tỷ đồng.

Trong quá trình tuyên truyền, vận động, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sản xuất có hiệu quả như mô hình chăn nuôi dê, nuôi tôm sinh thái quảng canh cải tiến, nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao, sản suất cua giống,... làm tăng cường sự đoàn kết của nhân dân để cùng phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo, vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ dân vươn lên khá, giàu, xây dựng nhà cơ bản, bán cơ bản, trang bị phương tiện nghe, nhìn,... từng bước nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần ở nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, từ 12,7% (năm 2008), đến cuối 2017 là 5,96% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020).

Công tác giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh dần đi vào nền nếp và được tăng cường, nhất là công tác giám sát. Từ năm 2015 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì giám sát 34 đơn vị; trong đó, giám sát 06 đơn vị việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Qua giám sát, đã kiến nghị chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh cũng đã chủ trì giám sát được trên 120 cuộc về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; về thực hiện Luật hòa giải cơ sở; công tác giải quyết khiếu nại tố cáo; giảm nghèo bền vững; quản lý về tổ chức, hoạt động của Hợp tác xã; Luật phổ biến giáo dục pháp luật và các nội dung có liên quan đến đời sống của người dân. Đồng thời, tích cực tham gia với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc quản lý, điều hành kinh tế - xã hội; việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,…

Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đóng góp hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp trước khi ban hành. Nội dung văn bản có liên quan đến việc triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; đồng thời, phối hợp thẩm tra dự thảo các báo cáo, tờ trình, nghị quyết tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân.

Nhìn chung, trong thời gian qua, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt nam các cấp trong tỉnh ngày càng thể hiện rõ trong việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cụ thể nhất là việc chủ trì phát động thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới và nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” có tác động cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, huy động của sức mạnh cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giàu; nhiều phong tục, tập quán lạc hậu vốn đã ăn sâu lâu đời trong nhân dân nhất là vùng nông thôn được thay đổi theo hướng tích cực; giao thông đi lại thuận tiện, các công trình phúc lợi công cộng được đầu tư; y tế, giáo dục tiến bộ; an ninh trật tự được giữ vững, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân.

Qua 10 năm triển khai thực hiện, khẳng định Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã hợp ý Đảng, lòng dân, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, thực hiện; nâng cao được vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự phát triển của địa phương và của đất nước./.

Quan Thắng