Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa ký kết với Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình phối hợp 90 về an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Cà Mau của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường tuyên tuyền, vận động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền

Năm 2017, quán triệt và tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp số 90 giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam về công tác tuyên truyền, vận động giám sát ATTP (Chương trình phối hợp số 90) Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đến tận địa bàn dân cư về mục đích, ý nghĩa, lợi ích từ việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng; chú trọng tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt văn hoá tại trụ sở ấp, khóm; tuyên truyền qua thông tin đại chúng,… để vận động hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm, tham gia đăng ký, cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Qua công tác thông tin, truyền thông được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng có nhiều chuyển biến tích cực, đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động truyền thông mạnh mẽ các hoạt động vì chất lượng, an toàn thực phẩm và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm do sử dụng thực phẩm không an toàn.

Kết quả thực hiện

Thực hiện Chương trình phối hợp số 90 về ATTP, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh và UBND tỉnh đã ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện vận động và giám sát bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh duy trì 94 mô hình đã xây dựng trong năm 2016, tiếp tục xây dựng và nhân rộng 168 mô hình như: mô hình trồng rau sạch, màu sạch, an toàn thực phẩm; trồng rau an toàn trong nhà lưới; trồng rau an toàn và dưa hấu đạt chuẩn VIETGAP,… Hiệu quả các mô hình đã góp phần tích cực trong nâng cao nhận thức của Nhân dân ở cộng đồng dân cư trong việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng.

Công tác phối hợp liên ngành có nhiều tiến bộ, có sự phối hợp tốt giữa các cấp chính quyền với các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể. Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra thực hiện khá tốt, riêng năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại 878 cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm như bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, thịt, sản phẩm từ thịt,… Trong đó, có 172 cơ sở vi phạm và đã bị xử lý. Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm; tổ chức 77 đoàn thanh, kiểm tra tại 379 cơ sở, sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã tiến hành nhắc nhở, hướng dẫn việc bảo quản các mặt hàng thực phẩm; tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm; hướng dẫn thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng của sản phẩm; tăng cường ý thức trong phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; kịp thời báo với các cơ quan chức năng nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng,…

Bên cạnh đó, trong năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm thực hiện Chương trình phối hợp 90 của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN về vận động, giám sát bảo đản an toàn thực phẩm tại tỉnh Bến Tre. Tại hội thảo có một số ý kiến đóng góp trong tham luận về việc đảm bảo an toàn thực phẩm như: Những cách làm mới trong việc xây dựng các mô hình nông sản sạch, nông sản an toàn; mô hình trồng rau sạch xanh tươi – Vận động và thúc đẩy những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn; đổi mới phương thức và cách thức tuyên truyền về vấn đề an tòan thực phẩm đến với người dân. Đây là cơ hội để giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, phản ánh các thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm trong cuộc sống hằng ngày, giúp cho đại biểu tham dự hội thảo nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phó Chủ tịch Phan Mộng Thành chia sẻ: Để thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 90; thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ MTTQ và đoàn thể các cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật và các văn bản có liên quan đến lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm với mục tiêu vì sức khỏe của cộng đồng để người dân hiểu, biết, hợp tác, từ đó có các hành động cụ thể, hiệu quả tự bảo vệ mình và nói không với thực phẩm không an toàn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ý thức sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh và chủ động tố giác các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm; tăng cường sự phối hợp giám sát về an toàn thực phẩm giữa Mặt trận với các ngành chức năng và các tổ chức thành viên các cấp.

Tiếp tục lồng ghép nội dung bảo đảm an toàn thực phẩm vào Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xem đây là tiêu chí bình xét, công nhận gia đình, ấp, khóm văn hóa vào dịp cuối năm.

Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân điển hình trong công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và các ngành cần phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Trọng Vy